Trả lại giá trị thật của lương bổng

Ai cũng biết lương không đủ sống vậy mà vẫn sống khỏe, thậm chí rất khỏe. Và không ít người chấp nhận bỏ tiền để được vào làm việc ở những nơi có đồng lương được tính theo hệ số đó.

Lương “ba cọc ba đồng” nhưng nhiều cán bộ công chức vẫn có thể mua xe, sắm đồ, xây sửa nhà cửa. Nếu chỉ sống bằng lương, mỗi một món đồ gia dụng thiết yếu như tivi- máy giặt- tủ lạnh, tích lũy tiết kiệm cả năm trời chưa chắc công chức đã đủ tiền mua.

Hầu như cơ quan nhà nước nào cũng phải có “kế hoạch 3″ nhằm tăng thu nhập cho anh em. Từ việc cho thuê đất tới làm “dịch vụ” trên chính công việc lẽ ra họ phải làm theo trách nhiệm công chức. Tệ hơn nữa là nhũng nhiễu để tạo thêm thu nhập. Gần như cơ quan nào cũng tồn tại 2 hệ thống sổ sách, một cho các cấp quản lý kiểm tra, theo dõi và một để “người nhà biết với nhau”. Có thế mới sống nổi trong thời buổi kinh tế thị trường.

Sự vô lý khi được số đông thừa nhận phải chăng đã thành sự hợp lý. Sự thiếu công khai, minh bạch lại được số đông người ủng hộ khi nó đảm bảo cho mỗi người một cuộc sống đủ đầy hơn? Không ai sống được nhờ lương song cũng chẳng ai muốn rời bỏ cái đồng lương không sống được đó.

Có một nguyên tắc: Khi ai cũng cũng thấy “lạ” thì sẽ trở thành quen, thành điều bình thường. Nhưng với quốc gia, những “vô lý”, “có vấn đề” mà trở thành bình thường thì hết sức nguy hại. Cần phải bóc tách và giải quyết dứt điểm sự vô lý này. Mới đây bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị cũng đã phải lên tiếng về việc không hút được người giỏi về “đầu quân” cũng chỉ vì “lương không đủ sống”.

Tiền lương không thể chỉ là “đủ tồn tại” mà cần phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về ở, giải trí, tái tạo sức lao động và cả phát triển thêm. Mức tối thiểu chỉ là mức thoát nghèo (mức lương tối thiểu hiện tại còn thấp hơn chuẩn nghèo, cần phải hỗ trợ, chăm lo của TP.HCM) chứ không thể căn cứ vào đó để tính TIỀN LƯƠNG thực lãnh. Tệ hơn, sự điều chỉnh, thay đổi của đồng lương công chức này lại là căn cứ để quy ra tiền lương cho lao động ngoài xã hội, tạo ra những áp lực rất lớn và thiệt thòi cũng rất lớn cho những lao động này.

Một xã hội phát triển bền vững và lành mạnh cần có sự minh bạch và công khai mà mỗi người trong đó đều có thể sống đàng hoàng với đồng lương và những khoản thu nhập do mình làm ra.
Theo LĐ

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>